Chập điện, tàn thuốc lá, rò rỉ gas – những nguyên nhân tưởng chừng đơn giản, quen thuộc lại là tác nhân gây ra không ít vụ cháy nổ đáng tiếc. Sự chủ quan của con người chính là điều kiện để những hiểm họa này xảy ra. Vì vậy, việc trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy là vô cùng cần thiết để bảo vệ bản thân và gia đình.
TOP 8 nguyên nhân gây cháy nổ phổ biến nhất hiện nay
Cháy nổ có thể gây ra bởi nhiều nguyên do khác nhau, trong đó có 8 nguyên nhân cháy nổ phổ biến mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn xây dựng các biện pháp phòng chống cháy nổ hiệu quả. Bao gồm:
Sự cố từ bình gas, xăng, dầu
Sự cố từ bình gas, xăng dầu là một trong những nguyên nhân gây cháy nổ nhiều nhất ở nước ta. Trong khi đó, các nhiên liệu dễ bắt cháy này lại được ứng dụng rất phổ biến trong cuộc sống: phục vụ việc đun nấu, làm nhiên liệu di chuyển, vận hành máy móc,…
Việc sử dụng sai cách các loại nhiên vật liệu dễ cháy này như không khóa van bình gas sau khi sử dụng, dùng bình gas kém chất lượng hay bảo quản xăng dầu không đúng cách đã gây ra hàng trăm vụ cháy lớn nhỏ khác nhau chỉ trong vài năm qua.
Sự cố từ chập điện
Theo thống kê, Các nguyên nhân gây cháy nổ gần đây thường gây ra từ các sự cố điện. Ban đầu chỉ là sự cố nhỏ, song khi không được xử lý kịp thời đã gây nên những thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Mới đây nhất chính là vụ cháy thương tâm tại chung cư mini ở số 37 ngõ 29/70 Khương Hạ – Hà Nội.
Vụ cháy đã khiến 56 người thiệt mạng, tài sản bị hủy hoại hoàn toàn và những hậu quả đáng tiếc khác. Kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy cho thấy, hỏa hoạn bắt nguồn từ sự cố chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe ga (Theo: Báo điện tử Tiền Phong). Lửa sau đó bắt đầu lan sang các khu vực cáp điện, hộp công tơ điện gắn trên tường tầng 1 và cháy lan, từ đó làm hình thành nên vụ hỏa hoạn.
Do điện thoại và thiết bị sạc
Cháy do điện thoại và thiết bị sạc cũng là một trong các nguyên nhân gây cháy nổ nhiều nhất ở nước ta. Trong đó, nguyên nhân cháy nổ ở các thiết bị này được nhận định chủ yếu là do người dùng sử dụng thiết bị sai quy cách, ví dụ như vừa sạc điện thoại vừa chơi.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp là do mua phải những thiết bị kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy cao. Chưa kể, hệ thống vi mạch của các thiết bị điện tử như điện thoại hay sạc khá phức tạp. Nếu chẳng may bị chập điện, khả năng gây nên hỏa hoạn là vô cùng lớn.
Sử dụng nến
Dù mang đến không gian ấm cúng, lãng mạn, nến cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm tiềm ẩn. Ngọn lửa của nến có thể dễ dàng gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu dễ bắt lửa như rèm cửa, giấy tờ, hay đồ nội thất. Đặc biệt, khi không gian kín, gió lùa mạnh hoặc nến không được đặt ở vị trí an toàn, nguy cơ hỏa hoạn càng tăng cao.
Nếu nhà bạn có sử dụng nến thì hãy để chúng trong giá đỡ chắc chắn trên một bề mặt phẳng. Và đặc biệt hãy tránh xa những vật liệu dễ cháy và xa tầm tay của trẻ em hoặc vật nuôi. Nếu không còn sử dụng hoặc khi bạn ra khỏi nhà thì hãy thổi tắt chúng.
Từ việc thờ cúng, hoạt động đốt vàng mã
Thờ cúng là hoạt động tâm linh mang đậm giá trị truyền thống, văn hóa của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chính hoạt động này cũng là một trong những nguồn phát sinh cháy nổ phổ biến mà ít ai có thể ngờ tới. Đặc biệt với những gia đình có thói quen đốt nhang, vàng mã “không đúng quy định”, thiếu sự kiểm soát.
Thói quen hút thuốc trong phòng
Hút thuốc trong phòng được xác định là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ tại nơi làm việc, khu vực sống. Ban đầu đó có thể chỉ là tàn thuốc nhỏ. Tuy nhiên, nếu gặp phải các vật dẫn cháy như xăng dầu, khí gas, phản ứng cháy rất nhanh sẽ xảy ra và làm hình thành nên hỏa hoạn.
Do sét đánh, tia lửa sét
Ngoài ra, cháy nổ cũng có thể được hình thành do một số nguyên nhân khác là do sét đánh, tia lửa sét. Theo các chuyên gia khí tượng, giông sét có hiệu điện thế lên tới 1 triệu vôn và có thể đốt không khí nóng cao gấp 5 lần so với mặt trời.
Vì vậy, nếu bị sét đánh trực diện, hậu quả cháy nổ là điều khó có thể tránh khỏi. Những vụ hỏa hoạn do sét đánh gây ra thường khá nặng nề, làm ảnh hưởng đến cả người và tài sản đi kèm.
Những bất cẩn từ con người
Phần lớn các đám cháy hiện nay đều được xác định là do xuất phát từ sự bất cẩn của con người. Theo thống kê từ Bộ Công an, giai đoạn 2020 – 2022 toàn quốc đã xảy ra 29.596 vụ cháy, trong đó có tới 26.699 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và chỉ có 2.897 vụ là do cháy rừng.
Trong đó, một số nguyên nhân gây cháy nổ được xác định là do sơ xuất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt đã chiếm tới 26,1% (tương đương 7.717 vụ). Điều này cũng đồng thời làm gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức phòng chống cháy nổ của người dân, cũng như công tác tuyên truyền về an toàn cháy nổ chưa được thực hiện sát sao tại từng địa phương.
Các biện pháp phòng chống cháy nổ hiệu quả hiện nay
Cách giảm nguy cơ gây cháy nổ là mỗi người dân cần nâng cao ý thức của mình về an toàn phòng chống cháy nổ, chặn đứng các nguyên nhân gây cháy nổ như:
- Sử dụng các vật dụng điện hợp lý, tắt các thiết bị điện khi đi ra ngoài.
- Trang bị hệ thống cầu dao, aptomat cho hệ thống điện.
- Bố trí không gian nhà ở, nơi làm việc khoa học. Xây dựng khu vực thờ cúng hợp lý.
- Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, không dự trữ xăng dầu, các khí đốt trong khu vực nhà ở.
- Sử dụng vật liệu chống cháy cho công trình, nhà ở: Các vật liệu xây dựng có khả năng chống cháy cũng là cách giảm nguy cơ cháy nổ cho chính ngồi nhà mình. Đồng thời vật liệu này cũng làm giảm thiểu đáng kể các thiệt hại về người và của khi có các sự cố cháy nổ ra.
- Thường xuyên kiểm tra và tiến hành bảo trì toàn bộ hệ thống điện.
- Lưu trữ và sử dụng hóa chất an toàn, cách xa khu vực sống, tuân thủ các hướng dẫn an toàn được đưa ra: có dán nhãn cảnh báo, để xa nguồn lửa,….
- Tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật, khu dân cư về an toàn phòng cháy chữa cháy.
- Lắp đặt hệ thống báo cháy và trang bị thêm các giải pháp chống cháy tại khu vực sống, nơi làm việc.
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền phòng chống cháy nổ cho người dân: Các cơ quan, địa phương cũng cần liên tục tuyên truyền về hậu quả của cháy nổ, tập dượt các biện pháp phòng chống cháy nổ tại địa bàn. Như vậy, người dân sẽ chủ động hơn trong giảm thiểu nguy cơ gây cháy nổ, kiểm soát tốt các nguy cơ gây hỏa hoạn, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản trước hiểm họa cháy nổ có thể xảy ra.
Bạn đã được trang bị 8 nguyên nhân phổ biến gây cháy nổ và những giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Những thông tin này không chỉ là kiến thức mà còn là những “vũ khí” giúp bạn bảo vệ ngôi nhà và gia đình trước hiểm họa hỏa hoạn. Hãy hành động ngay hôm nay để cuộc sống luôn an toàn.