Pakse là một thị xã, tỉnh lỵ của tỉnh Champasak ở hạ Lào, cũng là huyện lỵ huyện (muang, mường) của huyện Pakse. Thị xã này tọa lạc tại hợp lưu của hai con sông Xedone và Mê Kông, là cửa ngõ vào cao nguyên Bolovens. Pakse từng là kinh đô của Vương quốc Champasak, cho đến năm 1946 khi Vương quốc Lào được thành lập.
Kể từ khi có cầu Hữu nghị Nhật-Lào bắc qua sông Mê Kông (do Nhật Bản viện trợ) nối liền hai phần của Champasak hai bên bờ và với tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan, Pakse trở thành một trung tâm thương mại của Lào.
Khi đến cửa ngõ Pakse, hình ảnh đầu tiên gây sự chú ý của tôi là một tấm bảng du lịch thật to với những chỉ dẫn khoảng cách từ Pakse đến những nơi tham quan của Champasak. Và tấm bảng bán vé xe đò đi thẳng từ Pakse qua Campuchia về Sài Gòn.
Ghé vào hỏi, được biết hành trình này đi mất 12 tiếng, giá vé cho mỗi chiều tương đương 50 đô la Mỹ. Từ Sài Gòn chỉ mất một ngày ngồi xe, các bạn đã có thể đến Pakse, nơi có đông người Việt nhất ở Lào. Vậy là có tin vui cho bạn nào từ Sài Gòn muốn sang Lào mà không muốn đi vòng ra miền Trung.
Sang Lào, các bạn cứ nói tiếng Việt; gặp người Lào có khi họ không hiểu, nhưng sẽ có nhiều người Việt ở gần đó nên ít nhất có ai đó hiểu bạn và sẽ làm thông dịch cho bạn với người Lào. Nếu ở Lào mà đi đâu cũng “xổ” tiếng Anh, có thể bạn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn đấy.
Cách đây hai năm, tôi đã ở nhà trọ Sabaidee Guesthouse 2, nhưng lần này không có bản đồ, không có sách hướng dẫn nào cả nên tôi không biết tìm nó ở đâu. Cũng chả sao, tôi cứ đạp xe lòng vòng trong ánh mắt “ghen tị” cũng mấy du khách nước ngoài. Tôi nhớ mang máng là nhà trọ Sabaidee nằm gần nhà hàng Xuân Mai nên nếu tìm ra nhà hàng này thì có thể truy ra nó. Đi loanh quanh vào trung tâm thương mại Pakse, trở ra bờ sông rồi vào các khu phố bày hàng bán đầy đường… đạp mãi vẫn không thấy Sabaidee đâu!
Trời mưa! Tôi ghé đại vào một nhà nghỉ; phòng giá rẻ nhất là 60 ngàn kip nhưng họ hết loại phòng đó, chỉ còn phòng 80 ngàn kip. Làm ăn kiểu Lào buồn cười lắm, họ chả cần khách hàng làm gì, ai thích thì ở không thì thôi, chứ chả chèo kéo, chào mời lôi thôi; đắt khách thì hưởng, ế thì dẹp tiệm tìm cái khác mà làm. Một lối sống đơn giản, không nhiều bon chen, giành giật. Đó là lý do rất nhiều người Việt sang Lào làm ăn bảo rằng ở chung với người Lào dễ hơn ở với người Việt nhiều. Nếu thấy cửa hàng của bạn đắt khách hơn của họ, họ không ghen tị mà còn mừng cho bạn nữa đấy. Khách vào cửa hàng ai thì người nấy bán chứ không bao giờ có chuyện giành giật khách của nhau.
Tôi lại đạp xe ra chợ mới Pakse, nằm ngay trên quốc lộ 13. Tại đây có hàng bánh mì; do lúc ấy trời chiều tối rồi nên bán rẻ cho tôi 4 ổ 10 ngàn kip (loại bánh to mà lúc thường người ta bán 4 ngàn kip/ổ); nhiều quá nên tôi không mua mà mua bánh nhỏ hơn, 2 ngàn kip/2 ổ. Cô bán bánh vừa thấy tôi ghé vào quầy là nói tiếng Việt luôn.
Lúc ấy chị hàng thịt cạnh bên hỏi tôi bằng tiếng Lào, tôi không hiểu, chị nói tiếng Việt. Đó là chị Nga, Việt kiều ở Pakse, sinh đẻ ở đó và nói tiếng Việt và tiếng Lào đều giỏi như nhau. Tôi kể lại hành trình đạp xe của mình. Chị nể quá nên dịch lại tiếng Lào cho tất cả những người có mặt ở gần đó. Cứ người Lào nào đến thì chị đều kể cho họ nghe về tôi một cách vô cùng hào hứng. Điều mà tôi nhớ nhất là sau khi kể xong chị luôn nói một câu đầy tự hào: Đây là người Việt Nam đó!
Khi tôi hỏi họ nhà trọ giá rẻ ở đâu thì họ chỉ tôi đường đến chùa Long Vân ở trong xóm nhà Đèn. Họ bảo ở đó có rất nhiều phòng và chỉ cách chợ khoảng 1 cây số thôi. Họ bảo vào đó ở sạch sẽ, có thể ăn cơm chay cùng mọi người luôn.
Chỉ cách một cây số mà tôi mất hơn 1 tiếng đồng hồ vẫn không tìm ra. Vậy là tôi lại lạc đường. Tôi ghé vào một tiệm tạp hóa của người Lào hỏi thăm, gặp một anh người Lào đang mua hàng, bảo tôi chạy theo xe anh ta. Anh ta dẫn tôi vào một ngôi chùa Việt Nam khác. Tuy nhiên sư cô bảo nơi ấy không có phòng và chỉ tôi đường đến chùa Long Vân. Không muốn anh chàng kia bám theo, tôi bảo tôi đi một mình được.
Thì ra, đường vào chùa Long Vân cũng là đường đến nhà trọ Sabaidee 2 (www.sabaidy2tour.com). Tôi ghé vào Sabaidee 2 thì hết sạch phòng, chỉ còn phòng đôi ở tòa nhà mới, giá 95 ngàn kip mà thôi. Một nhà nghỉ khác có tên là Thaluang thì cho giá 100 ngàn kip.
Tôi lại hỏi đường đi chùa Long Vân. Nếu muốn ở ké chùa Long Vân thì các bạn trước tiên tìm đường đến nhà trọ Sabaidee 2. Đến đó rồi, hỏi người Việt hay người Lào thì ai cũng biết chùa này cả. Ngoài ra ngay đầu đường vào chùa có cả mũi tên chỉ đường nữa.
Sư trụ trì chùa Long Vân là Thích Thanh Tịnh, người gốc Quảng Trị, từng sống ở Huế và Sài Gòn. Sư hỏi tôi vài câu rồi nói hiện chùa đang sửa chữa chánh điện nên mấy ông thợ xây người Huế ở hết sạch phòng rồi. Tôi bảo không sao, tôi có lều, chỉ xin cắm trại trong khuôn viên chùa thôi.
Lúc ấy có một bác Việt kiều 75 tuổi đến. Sư bảo tôi hỏi bác ấy. Bác ấy cũng hỏi vài câu rồi bảo do tôi lỡ đường nên cho phép ngủ 1 đêm. Sư Thanh Tịnh lấy chiếu và mền gối cho tôi ngủ ở phía sau hè nơi có một tấm phản gỗ và dặn khi nào ngủ thì kéo cửa xuống. Nhưng tôi cắm trại ngủ ở hiên sau của chùa.
Tắm rửa giặt giũ xong, tôi lấy thức ăn ra ăn và xem ti vi cùng mọi người – đó là chương trình “Cặp đôi hoàn hảo.” Lâu rồi mới được xem chương trình tiếng Việt nên tôi hào hứng vô cùng, nhưng xem một hồi cũng chán; không hiểu sao ở Việt Nam người ta vẫn có thể xem nó hàng ngày được nhỉ?
Sáng, tôi thấy mấy ông thợ ăn bún được mang tới trong mấy cái bịch to. Tôi hỏi đường ra chợ để mua thì họ chỉ từ chùa cứ ra ngoài đường chính rồi đi thẳng hoài thì đến. Vậy mà tôi cũng hỏi đường vài người mới tìm ra, hỏi tiếng Việt luôn; thỉnh thoảng nói tiếng Lào; người Lào chỉ đường dễ tìm hơn người Việt. Tại đây, tôi ăn phở giá 10 ngàn kip và mua 5 cái bánh chiên giá 1 ngàn kip/cái.
No quá. Tôi ung dung về. Gần đến chùa, ngang qua một nhà Việt kiều. Một bác kêu tôi vào hỏi chuyện. Bác ấy thấy tôi lạ nên hỏi thăm. Tôi kể xong thì bác bảo giỏi quá và mời tôi ăn một chén cháo gạo lứt với cá lòng tong kho ớt. Cay quá nên tôi ăn rất chậm.
Sau đó tôi ôm máy tính đến nhà trọ Sabaidee. Cũng không có phòng trống. Tôi hỏi để sử dụng WiFi thì họ bảo đóng 10 ngàn kip. Trên tường có tờ thông báo là số tiền này và tiền đổi sách (đổi sách trả tiền đấy) là để xây trường tiểu học cho một ngôi làng nào đó. Sau khi tôi bỏ tiền vào thùng, họ đưa cho tờ giấy ghi mật mã truy cập. Tôi ngồi lì gần 12 tiếng để tải lên một số lượng lớn bài được viết ở dọc đường. May là tôi đã viết cả vào máy, chỉ đọc lại, tải lên blog và chèn hình vào thôi. Vậy mà mất cả một ngày mới làm xong. Tôi bỏ cả bữa ăn trưa và đến tối khi làm xong mới thấy đói nên chạy ra chợ mua 2 ngàn cơm nếp và 2 cái bánh nếp để mang về chùa ăn với chuối.
Sabaidee 2 quả là ăn nên làm ra vô cùng bởi vì có biết bao người đến hỏi phòng nhưng không có. Không khí ở đây cũng tuyệt. Đặc biệt là có nhiều du khách người Đức và Pháp lắm.
Ở chùa có một anh thợ xây trẻ tuổi, thường thức khuya để xem ti vi hơn mọi người, anh ta chắc cũng thuộc dạng “mê đi” lắm nên cứ theo hỏi tôi đã đi mấy nước mãi. Trên đời có nhiều người sinh ra với sẵn “máu du mục” nhưng do nhiều nguyên do nên không thể thực hiện cái mà lẽ ra đã thấm đẫm vào máu xương ấy nên thấy ai thực hiện được cái mà họ không thể thì “mê “ lắm. Tôi hiểu điều này bởi trước đây tôi cũng như họ. Nhưng tôi khác với họ ở chỗ đam mê của tôi mạnh hơn và tôi dám hy sinh nhiều cái để thực hiện đam mê ấy. Ngoài ra tôi còn may mắn hơn họ là tôi có điều kiện để làm điều ấy.
Khi tôi nói với bác quản lý rằng Việt kiều ở đây nói tiếng Việt giỏi quá thì bác bảo Pakse có đông người Việt ở nhất và người Việt nói rành tiếng… Việt nhất! Bác nói có đến 7 xóm toàn người Việt không.
Một Việt kiều khác (người cho tôi chén cháo gạo lức) nói rằng trong nhà bố mẹ nói chuyện với con bằng tiếng Việt, mọi phong tục tập quán của Việt Nam vẫn giữ, vẫn đi chùa Việt (tuy nhiên bọn trẻ muốn đi chùa Lào thì chúng vẫn có thể đi, không ai phản đối cả,) vẫn ăn tết Việt Nam,… Do đó con cháu bác người nào nói tiếng Việt cũng giỏi cả.
Một thanh niên sinh năm 1984 tại Lào cho biết rằng dù anh ta sinh ra ở Lào nhưng vẫn không được công nhận là công dân Lào, anh ta vẫn có hộ chiếu Việt Nam (xin tại lãnh sự quán Việt Nam ở Pakse; nơi này gần Sabaidy 2 Guesthouse và gần chùa Long Vân). Tuy nhiên, anh ta có thể ở Lào mà không cần qua lại biên giới đóng mộc 30 ngày như những người Việt sang Lào làm ăn buôn bán.
Một trong những lý do tôi muốn đến ở chùa Long Vân là hy vọng có thể ăn một bữa cơm đậm chất Việt với những người Việt Nam (đã lâu rồi tôi không được ăn một bữa cơm Việt nào cả). Nhưng do ngày thứ nhất tôi bận ôm máy tính ngồi viết bài ở Sabaidy 2 Guesthouse; sang ngày thứ hai thì lúc mọi người dùng cơm trưa, tôi cũng có mặt, mọi người mời ăn, nhưng tôi ngại quá. Không hiểu sao ăn cơm với người Trung Quốc, người Lào, tôi không ngại mà ăn cơm với người Việt Nam tôi lại ngại đến thế?! Các bạn không thể tưởng tượng tôi thèm ăn một bữa cơm Việt đến mức nào đâu; tuy nhiên cuối cùng tôi cũng từ chối để ra chợ ăn cho thoải mái.
Tôi thấy thái độ của mọi người không thoải mái lắm khi thấy tôi ở đó. Tôi ở chùa Lào cảm thấy dễ chịu hơn ở chùa Việt (có thể các bạn sẽ cảm thấy khác tôi) và nói chuyện với người Lào dễ chịu hơn nói chuyện với người Việt dù tôi không giỏi tiếng Lào như tiếng mẹ đẻ.
Qua sự trải nghiệm này, tôi thấy rằng, có thể thấy ngôn ngữ không phải là rào cản lớn nhất trong giao tiếp mà chính thái độ của người nói và người nghe quyết định rất lớn đến hiệu quả của một cuộc nói chuyện. Khi tôi kể cho người Lào nghe về hành trình của tôi thì họ tin, còn người Việt thì không. Điều đó cho thấy người Việt luôn sống không thật với nhau nên họ không tin nhau. Điều đó làm tôi thấy khó chịu và không thích nói chuyện với họ bởi tôi quen sống thật như người Lào rồi.
Chỉ ở chùa Long Vân hai đêm, tôi chia tay ra đi vào buổi trưa, sau khi từ chối ăn cơm với mọi người, cơ hội cuối cùng cho tôi có được một bữa cơm Việt mà tôi đang thèm khát muốn chết đấy. Tôi ra chợ ăn một tô bánh canh thịt gà 10 ngàn kip, mua 2 ngàn cơm nếp rồi lần ra quốc lộ 13. Tôi đạp xe ngang qua vài khu xóm Việt Nam (ghi toàn tiếng Việt nên chắc phải là xóm Việt rồi còn gì).
Ở quốc lộ 13, tôi lại vào Chợ Mới Pakse. Ban ngày, chợ này mới thật sự sầm uất và quy mô. Thức ăn trong chợ cũng khá rẻ. Tôi mua 5 ngàn bánh mì, 2 ngàn khoai lang, thêm chai nước suối một lít rưỡi, giá 5 ngàn kip. Vậy là đủ thức ăn nước uống cho một hành trình giữa trưa nắng gay gắt.
Tôi đạp xe dọc theo quốc lộ 13 để đi đến Siphandon cũng là đường về biên giới Lào – Campuchia.
(Nguồn: http://nguyentandung.org/cong-dong-nguoi-viet-dong-nhat-o-lao.html)