Nhờ đặc ân của nghề nghiệp, tôi đã từng ăn một bữa cơm trưa với cá nướng muối bên bờ sông Mè Khoỏng (sông Mẹ) ở Setamuok rồi xuôi đi mãi miết qua Attapư buồn vắng giữa đại ngàn rừng Lào, qua Sê Kông, ngã ba Savẳn, lên cao nguyên Păk Soong- Bôlôven, đến Champasak, một tỉnh quan trọng nhất của vùng Nam Lào, có mối liên kết khá bền chặt với Cửa khẩu Quốc tế La Lay của Quảng Trị, Việt Nam.
Thủ phủ của Champasak là Pakse, thành phố lớn thứ ba của Lào. Người dân ở đây cho biết, Pakse có nghĩa là vùng đất nơi sông Sê Đôn gặp sông Mè Khoỏng hùng vĩ và thân thuộc. Thiên nhiên đã quá hào phóng ban tặng cho Champasak đất ruộng tốt tươi, xứng danh là vựa lúa, vựa cá ở cực Nam nước Lào. Hiện tỉnh Champasak sản xuất khoảng 38.000 tấn cà phê/năm sang các nước và vùng lãnh thổ gồm Ba Lan, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mỹ, Nhật, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Tập đoàn Dao Heuang do một phụ nữ gốc miền Trung Việt Nam làm chủ đã đưa nhà máy chế biến cà phê thành phẩm vào hoạt động. Đây là nhà máy hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Lào. Ngoài cà phê, các sản phẩm rau, củ, quả sạch xuất khẩu sang Thái Lan mỗi năm cũng đem về cho Champasak hàng triệu USD.
Cửa khẩu Quốc tế La Lay
Pakse còn được biết đến là nơi có “Khách sạn nghìn cửa” tráng lệ đổ bóng xuống dòng sông Mẹ, nhiều công trình văn hóa, di sản thiên nhiên mang tầm quốc gia và quốc tế như Wat Phou (chùa Đá), một di sản văn hóa thế giới của Lào hay Wat Luông, một trong những ngôi chùa lớn nhất vùng Nam Lào; rồi cả ngọn thác Khon Phapheng lớn nhất Đông Nam Á nằm trên tuyến đường xuôi về biên giới Campuchia; các điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch như Phaxuom, Liphi… Hiện nay tại Pakse đã có sân bay quốc tế và máy bay Boeing 737 có thể hạ cánh thuận lợi. Sân bay này tiếp nhận từ 5-7 chuyến bay quốc tế/tuần từ thủ đô Viêng Chăn (Lào), Băng Cốc (Thái Lan) và Siêm Riệp (Campuchia).
Tôi cũng đã có dịp đi qua các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan. Toàn vùng có 4 thành phố nằm trong số những thành phố đông dân nhất Thái Lan: Khon Kaen, Ubon Ratchathani, Nakhon Ratchasima (Khorat) và Udon Thani, có diện tích rộng nhất nước Thái. Tỉnh Ubon Ratchathani, một đối tác quan trọng của tỉnh Quảng Trị qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay cách thủ đô Băng Cốc khoảng 600 km, đứng thứ tư về diện tích và đứng thứ năm về kinh tế của cả nước Thái.
Với tiềm lực mạnh về kinh tế cộng với điều kiện vị trí địa lý đặc thù, thuận tiện, Ubon Ratchathani được định hướng giữ vai trò quan trọng của khu vực Đông Bắc Thái Lan về chính trị, kinh tế, tài chính, là nơi trung chuyển về hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch của toàn vùng; có thế mạnh phát triển về nông nghiệp, du lịch, giáo dục; các ngành, hàng thủ công mỹ nghệ, lụa, chăn nuôi phát triển mạnh. Đặc biệt Ubon Ratchathani có cửa khẩu Văng Tàu hoạt động thương mại, dịch vụ rất nhộn nhịp; nhu cầu đi lại của du khách và vận chuyển hàng hóa giữa Thái và Lào qua cặp cửa khẩu này rất lớn.
Từ vùng Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, có thể thấy việc nâng cấp Cửa khẩu La Lay lên cửa khẩu quốc tế có giá trị đặc biệt trong tư duy chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Cửa khẩu Quốc tế La Lay có vị trí quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác cùng phát triển giữa các tỉnh miền Trung Việt Nam và các tỉnh Nam Lào, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới với Salavan, Sê Kông, Attapư; góp phần hiện thực hóa những cam kết và thỏa thuận giữa hai nước Việt Nam- Lào và giữa các tỉnh có chung đường biên giới theo hướng đi vào chiều sâu, đặc biệt là thúc đẩy thương mại xuyên biên giới giữa hai nước.
Bên cạnh đó góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển trong khu vực (các tỉnh trên tuyến Hành lang song song với Hành lang kinh tế Đông- Tây PARA-EWEC, gồm 3 tỉnh thuộc Lào: Salavan, Champasak, Sê Kông; 2 tỉnh thuộc Thái Lan: Ubon Rathatchani, Sisaket; 3 tỉnh thuộc Campuchia: Preah Vihear, Oddar Meanchey, Strung Treung; 7 tỉnh, thành phố miền Trung Việt Nam: Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Kon Tum). Từ đây, hàng hóa của các nước trong khu vực sẽ có đường ra cảng biển thuận lợi, khai thác hết công suất thiết kế của các cảng và tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây đã được nâng cấp đồng bộ và hiện đại.
Bình yên nơi vùng đất Nam Lào
Bên cạnh đó, các tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia gồm Stung Treng, Preah Vihear, Kratie, Rattanakiri, Kampongcham, Kampongthon và các tỉnh của Thái Lan gồm Srisaket và Ubon Ratchathani sẽ được kết nối với tỉnh Salavan và Champasak (Lào) và với Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay. Đây là tuyến đường ngắn nhất, thuận tiện nhất, tiết kiệm nhiều thời gian đi lại, vận chuyển nhất và đem lại hiệu quả nhất cho thương nhân và du khách. Đặc biệt, thuận tiện này còn kết nối các cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ giữa Lào và Thái Lan (Văng Tàu- Xong Mek), giữa Lào và Campuchia (Nongnockhien- Domclo).
Cùng với cửa khẩu quốc tế hàng không ở Pakse, Champasak và Cửa khẩu Quốc tế La Lay trong tương lai tạo nên một tam giác phát triển bao gồm một vùng rộng lớn các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam. Mọi hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch của nhiều tỉnh, thành của 4 nước, bao gồm Lào (Salavan, Champasak, Sê Kông), Thái Lan (Srisaket, Ubon Rathatchani), Campuchia (Stung Treng, Preah Vihear) và Việt Nam (Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng) đều có thể thông qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay.
Nếu xét về vị trí địa lý, Cửa khẩu La Lay phía Việt Nam thuộc địa phận thôn La Lay, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị là một lối mở hết sức lý tưởng để kết nối với phía bạn Lào qua phần địa phận thuộc huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan. Ngày 30/4/1998, Cửa khẩu La Lay được Chính phủ 2 nước Việt Nam- Lào nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia và ngày 25/6/2014 nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế La Lay.
Cùng với đó, về phía Việt Nam, Tỉnh lộ 588 nối từ Quốc lộ 14 tại ngã ba A Ngo lên Cửa khẩu Quốc tế La Lay dài 12,2 km đã được cấp tốc nâng cấp lên Quốc lộ 15D vào tháng 7/2013. Vào năm 2003, con đường chiến lược 15B đã được Chính phủ Lào đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với kinh phí gần 200 triệu USD, được đánh giá là một trong những con đường đẹp của đất nước Triệu Voi. Với độ dài 174 km, trải nhựa, nền rộng 9 mét, mặt đường rộng 8 mét, Quốc lộ 15B kết nối từ Cửa khẩu La Lay đến tỉnh lỵ Salavan và thành phố Pakse, tỉnh Champasak một cách thuận lợi.
Cửa khẩu Quốc tế La Lay ra đời sẽ góp phần phát triển hạ tầng khu vực kinh tế cửa khẩu, trong đó tập trung vào xây dựng trung tâm cửa khẩu; trung tâm trung chuyển hàng hóa gắn với trung tâm dịch vụ vận tải; trung tâm đô thị Tà Rụt gắn với khu công nghiệp Tà Rụt. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng, hình thành chuỗi đô thị tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch. Khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương. Chính vì vậy, Cửa khẩu Quốc tế La Lay ra đời sẽ tạo động lực và cơ hội hợp tác, hỗ trợ sự phát triển kinh tế- xã hội khu vực phía Tây nói riêng và cả tỉnh Quảng Trị nói chung.
(Nguồn: http://dakrong.quangtri.gov.vn/index.php/vi/news/Kinh-te-Thi-truong/Cua-khau-Quoc-te-La-Lay-Nhin-tu-Nam-Lao-120/)